Công chứng vi bằng có giá trị pháp lý không?

Vi bằng là gì? Giá trị pháp lý của công chứng vi bằng tới đâu? Bạn hãy tham khảo trong bài viết dưới đây.

Vi bằng là gì?

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 8.1.2020.

Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của vi bằng. Cụ thể, vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận và kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng, nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất.

Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Công chứng vi bằng đó có giá trị pháp lý không?

Cụ thể, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập như sau:

“Điều 36. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng.

4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập”.

Đồ hoạ: Đức Mạnh
Mua bán vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý nên người dân cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Điều trên có nghĩa, vi bằng chỉ có giá trị bằng chứng, là một chứng cứ công nhận có việc mua bán, giao nhận tiền nhà chứ không phải là một thủ tục hành chính để đảm bảo giá trị tài sản.

Văn phòng thừa phát lại cũng chỉ ghi nhận lại hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng thực quan hệ giao dịch mua bán tài sản. Vi bằng không có chức năng như công chứng, chứng thực, công chứng chứng thực việc giao dịch mua bán tài sản.

Tuy nhiên, việc lập vi bằng đối với việc mua bán căn nhà được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do Nhà nước quy định sẽ xác nhận có giao kết về việc mua bán giữa hai bên tại thời điểm lập và được coi là chứng cứ tại Tòa án nếu có tranh chấp xảy ra. Việc mua bán vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý nên người dân cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền.

ĐỨC MẠNH
Theo Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/cong-chung-vi-bang-co-gia-tri-phap-ly-khong-888679.ldo