Chuyên gia Phạm Chi Lan:
“Thịnh vượng do 100 triệu người Việt quyết định, đừng ỷ lại vào nước ngoài”
Dân trí xin trích đăng ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của các cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mục tiêu, khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển năm 2045.
Khát vọng Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng. Không ít ý kiến cho rằng đây rõ ràng là mục tiêu cao, khát vọng lớn và đầy thách thức. Theo bà, Việt Nam gặp khó khăn, thách thức gì để thực hiện các mục tiêu này?
– Hai mục tiêu trên rất cao và đầy tham vọng. Để năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao thì chúng ta phải đạt một loạt các tiêu chí về nhiều mặt. Trong đó, phát triển kinh tế – xã hội phải hiệu quả, liên tục, bền vững trong 10 năm tới. Mục tiêu năm 2045 càng cao hơn nhưng trước hết phải thực hiện được mục tiêu năm 2030 thì mới có cơ sở để đi tiếp.
Theo Báo cáo Việt Nam năm 2035 (được Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2016), để đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, nước ta phải tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình 6% một năm, tức là tăng GDP (theo cách ta thường đề cập) trung bình 7,5% trong 20 năm từ 2016 đến 2035. Nay ta đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao, rút ngắn 5 năm hay 25% về thời gian thì mức tăng trưởng đương nhiên phải cao hơn.
Trong 5 năm 2016-2020, ta chưa đạt mức tăng trưởng mong muốn nói trên do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do đại dịch Covid-19 và những biến động bất lợi trong kinh tế toàn cầu.
Như vậy, trong giai đoạn 2020-2030, ta phải cố gắng gấp bội, phải thực hiện những cách phát triển mới, mang tính đột phá thực sự. Liệu chúng ta có làm được hay không? Theo tôi có thể, song cũng rất khó khăn.
Điều đầu tiên khiến tôi lo ngại là trong giai đoạn vừa qua, chúng ta vẫn chưa thực hiện được đầy đủ những đột phá chiến lược đã nêu trong Chiến lược 10 năm 2011-2020 để tạo nền tảng hết sức cần thiết cho thời kỳ phát triển mới.
Do vậy những nút thắt lớn cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước vẫn chưa được tháo gỡ một cách cơ bản, dứt khoát. Tăng trưởng kinh tế tuy khá về tốc độ, nhưng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt về các mặt chất lượng, hiệu quả, năng suất, tính cạnh tranh, tính bao trùm và bền vững.
Nội lực chưa được nâng cao tương xứng với tiềm năng và khát vọng phát triển của cả một đất nước gần 100 triệu dân với nguồn nhân lực dồi dào, với một khu vực tư nhân trong nước đang trưởng thành đầy sức sống, với bao tài nguyên còn bị phân bổ và sử dụng lãng phí, với không ít cơ hội thị trường bị bỏ lỡ…, trong khi thời gian trôi đi quá nhanh trong một thế giới đầy cạnh tranh và không ngừng chuyển động.
Có một số dữ liệu đáng mừng của nền kinh tế như quy mô GDP lọt top 4 ASEAN, kim ngạch xuất nhập khẩu cao và vốn đầu tư nước ngoài lớn. Theo bà, chúng ta có những điểm gì cần khắc phục và giải quyết ngay để thực hiện được khát vọng thịnh vượng?
– Thực tình tôi không thích việc so sánh quy mô GDP, xuất khẩu hay FDI của một nước Việt Nam 96 triệu dân với mấy nước ASEAN có quy mô dân số nhỏ hơn ta mười mấy lần, nhất là khi tăng trưởng GDP của ta dựa quá nhiều vào xuất khẩu, FDI, và riêng FDI lại chiếm tới hơn 70% xuất khẩu.
Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra những mục tiêu cơ bản, toàn diện và 12 nội dung Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Báo cáo Việt Nam năm 2035 đề xuất để trở thành nước thu nhập trung bình cao, chúng ta phải thực hiện 6 cuộc chuyển đổi quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và giáo dục, môi trường, đô thị hóa, các vấn đề xã hội và đặc biệt là thể chế.
Chính từ những điểm yếu được nhìn nhận rõ nên mới đưa ra những định hướng hay chuyển đổi đó. Và chắc chắn muốn hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng thì chúng ta phải hành động, thực hiện bằng được những gì đã đề ra.
Tôi mong nhất là ta tập trung giải quyết một cách cơ bản những điểm yếu nội tại như đã nói ở phần trên, không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn phải tạo thuận lợi cho phát triển trong giai đoạn tới. Từ nay đến năm 2030, chúng ta chỉ có 10 năm, một khoảng thời gian rất ngắn nhưng mang tính quyết định vận mệnh lâu dài của đất nước.
Hơn nữa, ta lại sống trong một thế giới đã, đang và sẽ có những thay đổi lớn và nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người về gần như mọi mặt. Rất nhiều nhân tố bất định, nhiều thách thức, rủi ro và cơ hội mới nảy sinh cùng một lúc: đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, đối đầu chiến lược Mỹ – Trung và những cạnh tranh chiến lược khác, sự va đập của các nền kinh tế hay các nền văn minh lớn, sự chao đảo và cấu trúc lại của các chuỗi cung ứng toàn cầu hay các quan hệ quốc tế …
Và đặc biệt những cơ hội ngàn năm có một, bên cạnh những rủi ro không thể coi thường phát sinh từ sự chuyển biến mau lẹ của các ngành kinh tế – xã hội, các lĩnh vực quản trị sang số hóa, tự động hóa, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của con người…
Ngày nay Việt Nam dấn thân sâu vào kinh tế khu vực và toàn cầu, với hàng loạt FTA đã ký, đương nhiên vừa được hưởng lợi từ các cơ hội, vừa phải hứng chịu các thách thức toàn cầu.
Rất cần hợp tác quốc tế nhưng không thể ỷ lại vào ai khác, Việt Nam phải tự mình khắc phục bằng được những điểm yếu cốt lõi nội tại, phát triển và phát huy nội lực, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, ứng phó với các thách thức mới và tận dụng các cơ hội mới ở trong nước cũng như trên trường quốc tế… Bài toán đặt ra trong giai đoạn tới rất khó, cần có lời giải xác đáng sớm nhất.
Rõ ràng, sự phát triển của Việt Nam hiện nay có vai trò rất lớn từ các nhân tố bên ngoài, trong đó vai trò to lớn của FDI. Việt Nam có nên tận dụng nguồn lực bên ngoài để thực hiện khát vọng của mình hay không, thưa bà?
– Trong những năm vừa qua, các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có ODA, FDI, những tri thức và kinh nghiệm phát triển của các nước khác… đã đóng góp rất lớn cho Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế sau chiến tranh và đổi mới hệ thống kinh tế, hội nhập quốc tế để phát triển.
Chính các nguồn lực từ bên ngoài cũng góp phần quan trọng giúp ta khai thác ngày càng tốt hơn các nguồn lực từ bên trong và xây dựng, nâng cao dần năng lực của chính mình. Dù còn một số điều chưa được như mong muốn, rõ ràng ngoại lực đã và sẽ tiếp tục là cần thiết. Vấn đề là ta phải đổi mới cách tiếp cận trong bối cảnh mới, như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị khóa XII đã nêu rõ về FDI.
Với khát vọng phát triển mới, tôi nghĩ sự thịnh vượng của một đất nước hơn 100 triệu dân phải do người dân Việt quyết định. Chúng ta không thể và không nên ỷ lại vào đầu tư nước ngoài. Tôi rất thích điều mà Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định: “Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Tất nhiên, kết hợp nội lực với các nguồn lực bên ngoài và FDI là rất quan trọng, đặc biệt có thể giúp chúng ta đi nhanh hơn trong việc tiếp cận các nguồn công nghệ và kỹ năng mới, phát triển các thị trường mới, tham gia các chuỗi cung ứng và các liên kết mới trong khu vực và trên toàn cầu.
Nếu ta và họ cùng làm tốt, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả và năng suất cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn, tạo những việc làm tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng trưởng thành và quan trọng nhất là thu nhập thực của đông đảo người dân Việt sẽ được nâng lên. Đương nhiên, để được như vậy ta sẽ phải biết “chọn bạn mà chơi” và tạo được một môi trường đủ tốt cho họ yên tâm, tin tưởng đến làm ăn trên cơ sở cùng có lợi.
Tôi tin sẽ có thể hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng nếu ý chí tự lực tự cường mạnh mẽ, nỗ lực vượt bậc và cách làm đột phá của chính chúng ta được bổ trợ hiệu quả bằng các nguồn lực bên ngoài. Một đất nước Việt Nam thịnh vượng cũng sẽ mang lại lợi ích lớn và bền vững hơn cho mọi đối tác bên ngoài, hấp dẫn họ đến và gắn bó lâu dài với chúng ta.
Kỷ nguyên số đang thay đổi cấu trúc vận động của thế giới, số phận của các quốc gia, dân tộc và quyền lực của họ. Cách đi tắt, đón đầu, rút ngắn được quá trình hưng thịnh của quốc gia được nhiều người kỳ vọng vào khoa học, công nghệ, theo bà Việt Nam cần làm những gì để đưa đất nước đi đúng quỹ đạo của thế giới?
– Không đi vào công nghệ, cứ dựa vào những động lực cũ (mà cũng đã cạn dần) thì không thể nào phát triển được trong thế giới hiện nay. Kỷ nguyên tới, một đất nước muốn phát triển được phải lấy công nghệ làm đầu, ứng dụng công nghệ và không ngừng nâng cao chất lượng, kỹ năng nhân lực ở mọi ngành, lĩnh vực.
Tôi mừng là Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh nhiều lần về tầm quan trọng của công nghệ, coi công nghệ là một động lực có ý nghĩa quyết định tương lai phát triển của đất nước, đồng thời đưa ra một số định hướng cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.
“Tôi thiết tha mong trên tinh thần đổi mới sáng tạo, từ Nhà nước tới doanh nghiệp và người dân, chúng ta sẽ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm của mình, trên cơ sở vì mục tiêu và lợi ích chung cao nhất là sự phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam!”
Khi hơn trăm triệu người Việt ở trong và ngoài nước đồng lòng vì mục tiêu chung đó, tạm gác những khác biệt để tập trung khai thác, gắn kết sức mạnh của mọi người, mọi đơn vị ở mọi nơi thành một nội lực mạnh của Việt Nam, kết hợp tốt với các nguồn lực bên ngoài, khát vọng Việt Nam thịnh vượng chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Nguồn Dân Trí
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)